BMB - JAPAN


Discount

We Accept Checks, Wired


Discount $100 for Order > $999

SALE: Mua trên $898 được discount $100. Xin bấm vào discount code: kr100

Discount 5% for Check, Money Order, Wired, Bank Transfer, Zelle, Venmo Orders.

Please Call 1-866-866-0909


BMB JAPAN


IDOLPRO & IDOLMAIN

Nguyệt thư ảnh kiếm - Tác giả: Bình Chi



$15.98
Nếu trả góp chọn check out payment là Shop Pay, hay PayPal Credit. Installments with Shop Pay or Paypal Credit.

Trong chính sử, câu chuyện về Trần Cảnh – Lý Chiêu Hoàng là một trường hợp vô tiền khoáng hậu. Đó là cuộc chuyển giao vương quyền êm thuận nhất, ko tốn một giọt máu, giữa hai triều đại lớn của nước Việt, từ triều Lý với hơn 200 năm cai trị chuyển sang triều Trần kiêu dũng hùng cường. Nguyệt thư ảnh kiếm căn cứ từ những tư liệu lịch sử có thật, phóng tác lên thành một câu chuyện dã sử hấp dẫn, lãng mạn. Do không có con trai nối dõi, vua Lý Huệ Tông đã quyết định lập con gái thứ là Lý Phật Kim làm thái tử, sau đó lên ngôi lấy hiệu là Lý Chiêu Hoàng, trở thành vị nữ vương độc nhất của triều Lý. Lúc đó, với thế lực đang mạnh, tham vọng khôn cùng, thấy vua nữ còn nhỏ, nhà Lý suy yếu, Trần Thủ Độ mưu soán ngôi, bèn bố trí cháu mình là Trần Cảnh gần gũi hầu hạ tiểu nữ vương, từ đó ép nữ vương truyền ngôi cho nhà Trần, Trần Cảnh thành vua Trần Thái Tông. Đôi trẻ yêu nhau trong bối cảnh éo le, lúc tan lúc hợp, do chính trị luôn đứng giữ Sau rất nhiều hiểu lầm, mất mát tổn thương, Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng đứng trước mối họa xâm lăng từ quân Mông Nguyên, đã quyết gạt tình thù, đặt quốc gia lên trên hết. Nguyệt thư ảnh kiếm pháp vốn là uyên ương kiếm gia truyền của tộc Trần, đã trở thành vũ khí tiên phong cùng hào khí Đông A đánh tan quân giặc, hóa giải thù riêng giữa 2 dòng tộc hùng mạnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Tác giả trẻ, có kiến văn tốt, yêu sử Việt. Khi đọc truyện, ngoài việc bị cuốn hút bởi tình tiết truyện, độc giả sẽ như được tiếp cận với các nhân vật vua chúa nhưng rất đỗi gần gũi, tưởng như người bằng xương bằng thịt, từ đó, giúp lịch sử dễ hiểu dễ cảm hơn. Sự thật chính sử được giữ nguyên, các nhân vật lịch sử như Trần Cảnh, Lý Chiêu Hoàng, Trần Thủ Độ, Trần Liễu, Trần Thị Dung, Ngột Lương Hợp Đài, Lê Phụ Trầ được khắc họa sáng tạo và thuyết phục ở góc nhìn trẻ trung lãng mạn. Tác giả lý giải lịch sử bằng sự đề cao sức mạnh tình cảm gia đình, tình huyết thống thiêng liêng. Thiên mệnh và nhân tình huyết mạch, những yếu tố đó tạo nên lòng tự tôn và sức mạnh hùng cường cho dân tộc, để cùng nhau đoàn kết chống ngoại xâm giữ yên bờ cõi, đồng thời xây dựng một đất nước phồn thịnh thời Lý – Trần.

Nhà xuất bản Phụ nữ VN trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tác giả:

BÌNH CHI

Tên thật: Nguyễn Thu Nga

Xem tiểu thuyết Kim Dung như một người bạn, và những triết lý Phật Giáo, triết lý Tình Yêu ẩn dưới những câu chuyện giang hồ trong truyện Kim Dung ảnh hưởng lớn đến lối viết của tác giả. Tác giả có thời gian dài học tập tại Nhật Bản và Anh quốc. Qua việc tiếp cận chữ Hán, học thư pháp, vẽ tranh thủy mặc, tác giả nhìn thấy được tình yêu của người Nhật và người Hoa với văn hóa của họ, nhờ đó mà lại càng khao khát muốn tìm về gốc rễ của mình, mong phần nào cắt nghĩa con người và văn hóa Việt Nam tự cổ chí kim. Vẽ lại những con người Việt, bằng chất liệu hội họa và văn học, trở thành đề tài mà tác giả theo đuổi.

Một số trích đoạn hay:

1. Kiếm pháp gia truyền “Nguyệt thư ảnh kiếm” của tộc Trần

“Tập hết sáu mươi chiêu, hai người cùng mở mắt ra, thì đều không khỏi giật mình bởi đường kiếm của phu thê họ đã gom gió thành vũ bão, khiến cho năm sáu cây đào quanh đó run rẩy, trút xuống một cơn hồng đào hoa vũ, rực rỡ vô cùng.

Lão tổ tông cả mừng, hỏi:

- Kiếm pháp của hai ta, không biết nên đặt tên là gì?”

- Nhờ ánh trăng kia in bóng mình trên sân thành hình văn tự mà hai ta ngộ ra được. Hay đặt tên là Nguyệt Thư Ảnh kiếm pháp?

Thời gian cứ thế thấm thoát trôi qua. Hai vị tổ tông dù tài giỏi cách mấy cũng không tránh được số kiếp con người là sinh, lão, bệnh, tử. Khi mất đi, ngoài gia sản khổng lồ cùng với bộ kiếm – thư pháp Nguyệt Thư Ảnh, họ còn để lại một bức thư pháp, độc một chữ Trần, căn dặn con cháu sau này phải luôn nhìn đó mà học lẽ gia đình hòa hợp. Họ thực không ngờ rằng, chính nhờ lời dạy đó mà họ Trần hai trăm năm sau trở thành hoàng tộc đứng đầu cả nước Việt, mở ra triều đại hưng thịnh nhất trong một nghìn năm lịch sử phong kiến tự trị, ba lần đánh thắng đế chế Mông Nguyên đã từng thôn tính cả Trung Hoa rộng lớn ở phương Bắc.

Nhưng khoan hãy bàn về chiến công của người Đông A với quân Mông Nguyên, mà hãy nghe về con đường họ Trần dần chiếm lấy triều chính của họ Lý trước đã.”

2. Lời thầy bói

“- Ha ha ha. Đàn ông họ Trần sao lại không mỹ miều? – Lão thầy bói vừa cười lớn vừa bước ra, trước khi khuất bóng, lại nguây nguẩy cái đầu, đọc lớn câu thơ – “Phấn đại dương mi chiếu, yên hoa đối diện sinh. Tất dĩ nhan sắc đắc thiên hạ”.

Thủ Độ không biết chữ, nghe hoa hoa mây mây thì chẳng hiểu lão này ý nói gì. Còn Trần Thừa nghe tới câu “Tất dĩ nhan sắc đắc thiên hạ” thì nghĩ ngay tới người em gái thứ của mình là Trần Thị Dung, nổi tiếng xinh đẹp tuyệt trần. Lúc này đương kim thái tử là Lý Sảm do chạy giặc Quách Bốc mà phải trú thân ở chỗ Trần phủ. Thái tử Sảm lại đem lòng yêu mến nhan sắc của nhị nương, mà có ý lập nàng làm thái tử phi. Điều này khiến cả tộc họ Trần đắc ý lắm.

Khi ấy, Trần Thừa cứ tưởng rằng, lão thầy bói muốn nói bóng nói gió em gái y sau này mê hoặc vua Lý, giúp nhà Trần đoạt thiên hạ. Nhưng nào có ngờ, thực chất ngụ ý của lão thầy bói lại là muốn ám chỉ nhị lang Trần Cảnh, con thứ của Trần Thừa, lúc bấy giờ còn chưa ra đời.

Cũng chẳng trách! Vì trước nay, phi tần mê hoặc hoàng đế, làm quốc gia tan vỡ thì có nhiều, chứ phò mã lấy lòng nữ đế, chấn hưng thời cuộc thì thực là chưa từng có.”

3. Trần Cảnh diện kiến Lý Chiêu Hoàng

“Cảnh hít vào một cái thật sâu, rồi lấy hết can đảm, ngước mặt lên.

Khi hai mắt chạm nhau, y bần thần nhận ra nữ đế trông không hề giống Tiêu Diện tướng quân. Trái lại, nàng khoác bộ áo hoàng cổn nền đen, trên thêu nổi bằng chỉ vàng 12 chương gồm nhật, nguyệt, tinh, long, trĩ, sơn, tảo, hỏa, mễ, di, phủ, phất. Cổ đeo Phương tâm Khúc lĩnh bằng lụa trắng, bụng quấn đai vàng, đầu đội miện quan gắn 12 lưu, mỗi lưu xâu 12 hạt châu. Dáng vẻ oai phong lộng lẫy như mặt trăng trên trời cao, có thể thấy được mà không tài nào với tới được, thực không giống định nghĩa nữ nhi theo hiểu biết của y lắm.

Khuôn dung của nàng mắt to mũi thanh, hai má ửng hồng, môi đỏ chúm chím, ẩn chứa vẻ ma lanh xảo quyệt. Nụ cười của nàng lại có gì đó thần kỳ, bí hiểm. Tóc nàng búi cao theo kiểu đàn ông. Y nhìn thấy giống con trai nhưng không phải con trai, cũng có nét nữ nhi con gái nhưng không hẳn ra con gái. Tổng quan lại thì vừa lấy làm tò mò, lại cũng có chút ngưỡng mộ.

Tuy là cùng tuổi, đều sinh vào năm Dần, nhưng nữ đế sinh trước y tận nửa năm. Khi đó y đã đem lòng tôn kính mà định tâm từ nay sẽ gọi nàng là “Hoàng Đế tỷ tỷ”.”

4. Dĩ hổ đực trị hổ cái – Trần Thủ Độ:

“Khi nữ đế đã khuất bóng, đám quan lại liền xôn xao như ong vỡ tổ. Cảnh còn chưa biết thế nào thì thúc phụ đã quay sang, mỉm cười nói với y:

“Cháu của ta đi cả ngày chắc cũng đã thấm mệt rồi.”

Chưa đợi Cảnh đáp lại, Thủ Độ đã giằng cái tráp hầu mà Cảnh đang bưng, rồi đưa cho Liễu, ý bảo tự cầm lấy. Đoạn, y ẵm Cảnh lên tay, hãnh diện bước ra. Trần Thừa cũng bước liền theo cạnh đó, sắc mặt có chút băn khoăn.

Đám quan lại khi nãy chẳng ngó ngàng gì tới nhị lang, nay lại ríu rít bám theo, bắt chuyện xởi lởi. Không những thế, bọn họ còn không dám đứng thẳng người, tránh để đầu họ cao hơn đầu đứa bé bảy tuổi, Trần Cảnh.

Cảnh còn chưa hiểu chuyện gì vừa xảy ra, nhưng trong lòng cũng hoan hỷ vì thấy mình đột nhiên oai phong ghê gớm. Y không biết rằng, trong bụng đám người lớn, ai ai cũng cùng một giuộc rằng từ chân phục dịch mà bước lên làm phò mã rồi hoàng đế, thực là chẳng xa lắm. Nữ đế Chiêu Hoàng kia thông minh, sắc sảo, tránh được Trần Liễu nhưng cuối cùng vẫn lọt vào cái bố trận mang tên Trần Cảnh của Thủ Độ rồi.

“Thúc phụ, tại sao mọi người lại thay đổi thái độ như vậy?” – Cảnh hỏi thầm ông chú Thủ Độ.

“Nữ đế tuổi cọp, con cũng tuổi cọp. Khi trước ta sắp xếp cho đại ca con vào ứng thí thực là hồ đồ quá. Trên đời này muốn trị cọp cái thì phải dùng cọp đực mới đúng chứ!””

5. Ban khăn lụa

“Cảnh về đến nhà, mệt rũ rượi, nằm vật ra giường không thiết ăn uống. Ông chú Thủ Độ thì đã sang nhà chờ y về từ lúc xẩm tối. Ông chú vừa nhìn thấy y là cứ bám riết theo, dò hỏi hôm nay có chuyện gì hay. Cảnh không muốn nói chuyện nhưng ông chú lại hỏi dai tận năm, sáu lần nên y đành uể oải kể lại. Vừa nghe xong, ông chú mặt mày hớn hở, háo hức đến hai má đỏ hồng cả lên, vừa đập bàn cái chát, vừa kết luận:

- Nữ đế hắt nước vào người con là có dụ ý ban ‘nước’ Việt cho con đấy.”

- Thúc phụ nói thế nào. Nếu Chiêu vương thực xem chậu nước là nước Việt thì đã không dám thò chân vào. – Cảnh cãi lại.

- Con nói cũng đúng. Nhưng còn việc nữ đế ban khăn lụa ăn trầu cho con hẳn là có tình ý! Không chừng họ nhà ta sắp thành hoàng tộc rồi!”

6. Tri kỷ thề bồi

“Nói xong, nàng lại ôm bụng cười khanh khách. Cảnh không cười. Y bất ngờ vì phía sau vẻ ngoài hung hăng, Hoàng Đế tỷ tỷ tuy còn nhỏ tuổi mà lại có nhiều sầu não đến vậy. Y lại nhớ đến câu nói cửa miệng của ông chú, rằng một mai này y sẽ lấy Hoàng Đế tỷ tỷ, rồi lấy cả ngôi vị hoàng đế của nàng. Thời khắc ấy, y tự hạ quyết tâm, nếu quả thực việc đó có xảy ra, khi nào y còn làm hoàng đế, nhất định cũng sẽ không để kẻ nào hiếp đáp Hoàng Đế tỷ tỷ của y.

- Này! Ngươi đang nghĩ gì mà mặt trầm tư vậy? – Hoàng Đế tỷ tỷ đưa tay lay vai y.

- Trên đời này, hạ thần cũng sẽ chỉ cho một mình bệ hạ ăn hiếp. Những kẻ khác có muốn cũng không đụng được đến thần. Bởi vì… bởi vì… – Cảnh khởi đầu hùng hổ nhưng nói đến đây lại lắp bắp.

- Bởi vì làm sao?

- Bởi vì hạ thần xem bệ hạ là một người bạn chí thân.

Hoàng Đế tỷ tỷ vừa nghe xong thì phá lên cười. Nàng nói:

- Ngươi chỉ là chính thủ, người thì vừa bé vừa còi như cây kỷ. Không có trẫm thì đám nô tài trong cung đã băm vằm ngươi thành trăm khúc rồi. Nhưng được lắm! Ngươi coi trẫm là bạn chí thân, thì trẫm cũng nhận ngươi làm tri kỷ!

- Được! – Cảnh nhảy xuống ghế, chạy ra phía cửa sổ, nhìn lên trời mà nói – Trên có nguyệt lão chứng giám, Trần Cảnh ta thề rằng sẽ mãi mãi là tri kỷ của Hoàng Đế tỷ tỷ, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu.

- Được! Cho dù sinh ly tử biệt, cho dù ngàn trùng chia cắt, Chiêu Hoàng đế Lý Phật Kim trẫm cũng mãi là tri kỷ của Chính thủ Trần Cảnh đây!

Hai đứa trẻ lập lời thề rồi lại đưa ngón tay út ngoắc ngoắc vào nhau, cùng nhìn nhau cười khúc khích.”

7. Mất ngôi báu

“Trong quanh cảnh mờ nhòa đi bởi nước mắt ấy, nàng thấy loáng thoáng một đôi chân nhỏ xíu, chỉ bằng với chân của nàng, đang bước tới. Nàng ngước lên thì nhìn thấy Trần Cảnh đang đứng thẳng, cúi nhìn nàng nằm rạp dưới đất như nhìn một con kiến. Vị trí của nàng và Cảnh đã hoán đổi cho nhau tự lúc nào.

Cảnh vẫn im lặng. Y ngồi xổm xuống, định giúp Chiêu Hoàng nhặt lại những miếng ngọc vụn trên sàn, nhưng nàng liền hất tay y ra, rồi quát:

“Thì ra đám các ngươi đã kéo bè lũ bày mưu với trẫm. Uổng công trẫm bấy lâu nay tin tưởng ngươi là người tri kỷ. Ngươi thực chất là kẻ tiểu nhân phản bạn!”

Cảnh cảm thấy thương cho Hoàng Đế tỷ tỷ, nhưng dù sao y vẫn là người họ Trần. Trong vũ trụ của y, người đứng cao nhất là cha ruột Trần Thừa, rồi đến thúc phụ Thủ Độ. Chỗ của người bạn kia, tuy là sâu thẳm trong tim, nhưng không thể đứng cao hơn các vị lão bối họ Trần.”

8. Phu thê Trần - Lý

“Đêm hôm sách phong hoàng hậu, Thái Tông đến cung Thiên Hinh của Chiêu Thánh nhưng nàng không còn nổi giận, lại càng không cười nói. Những việc xảy đến với cha mẹ nàng, với họ hàng thân thích khiến một đứa trẻ bình thường hoạt bát hiếu động, cũng phải ngã bệnh.

Thái Tông bước vào thấy Chiêu Thánh đang nằm bẹp trên giường, kéo chăn đến tận cằm. Sắc mặt nàng nhợt nhạt, đôi môi tím tái, đôi mắt lấp la lấp lánh khi xưa giờ vô hồn, nhìn chăm chăm lên trần nhà.

Thái Tông đến đứng bên cạnh giường nhưng nàng vẫn chẳng hề đếm xỉa, cứ như thể y là vô hình. Y vốn định nói nhiều điều với nàng, nhưng y còn chưa mở miệng thì nàng đã nói trước:

“Ta muốn ở một mình!”

Thái Tông nghe vậy thì cũng không biết nói gì hơn, đành gật đầu rồi bước ra ngoài. Trước khi y khép cửa, thì lại nghe nàng nói:

“Ta nhất định sẽ sống dai hơn ngươi, sống tốt hơn ngươi, làm được nhiều việc hơn ngươi!”

“Nếu nàng muốn sống dai hơn trẫm, thì trước hết phải ăn cơm đã.”

Nói rồi y khép cửa lại.

Bên trong, Chiêu Thánh nghe nói thế, cũng tự dưng hừng hực đứng dậy, bước đến bàn ăn đã bày biện sẵn bao nhiêu món sơn hào hải vị. Bất chợt nàng chú ý đến một con hạc nhỏ, xếp từ giấy gấm hồng, nhìn xinh xắn vô cùng. Nàng xem kỹ thì thấy trong thân hạc có ghi chữ, liền mở ra đọc thử:

Anh nọ quen thói tham ăn, đi ăn cỗ nhà ai thì chỉ biết cắm cúi nhét đầy mồm, chả thèm để ý đến những người xung quanh. Cô vợ ngượng lắm bảo:

“Hôm nay sang nhà hàng xóm ăn cỗ, thầy nó ăn uống từ từ thôi.”

“Tôi cũng muốn lắm, chỉ lại sợ không giữ được mồm miệng.” – anh chồng gãi tai.

“Tôi đã có cách, tôi sẽ lấy sợi dây cột vào chân thầy nó, khi nào thấy tôi giật dây thì thầy nó hãy gắp.”

Vào tiệc mới đầu mọi chuyện diễn ra rất suôn sẻ. Lúc sau cô vợ nhìn lên thì thấy anh chồng cứ gắp lia gắp lịa thức ăn tống đầy mồm. Hoảng quá, cô vợ nhìn sợi dây thì mới biết có con gà đi qua bị vướng dây vào chân, nó gảy gảy cố gỡ ra nên mới tạo nên cơ sự như vậy.

Truyện thì rõ ràng là truyện cười, nhưng Chiêu Thánh đọc xong lại không thấy buồn cười mà tự dưng khóc nấc lên.”

9. Hiểu lầm

“Chiêu Thánh không trả lời mà chỉ lắc đầu. Đoạn nàng vẫn lặng im mà ngả đầu vào lòng y, gân cốt mềm nhũn ra.

Tim trong ngực Thái Tông đập thình thịch. Khi nãy, nhờ cơn mưa bất chợt mà vài ý nghĩ dâm tà được gột rửa đi, nhưng nay lại chỉ còn hai người thì những ý nghĩ khi nãy lại bùng lên, còn mãnh liệt hơn. Y tự nhủ: “Hẳn là do tác dụng của Hồng Tình tán mà ả Nhi Khất lúc nãy nói tới. Ả nói đây là loại tình dược, có thể khiến người ta sổ ra mọi tâm tư trong lòng. Không lẽ tâm tư trong lòng nàng ấy đối với ta là…”

Vừa lúc ấy, Chiêu Thánh ngước đầu lên hỏi, giọng trìu mến khác hẳn khi thường:

- Bệ hạ có phải là người bấy lâu nay luôn đặt hạc giấy vào trong tráp cơm của ta?

Thái Tông không hiểu hạc giấy trong tráp cơm nghĩa là gì. Mặc dù vậy, y cảm nhận rằng nếu bây giờ mà nói không, thì mãi mãi sẽ không kéo nàng lại gần mình được nữa. Y suy nghĩ một giây rồi đáp:

- Nếu đúng là trẫm thì nàng định thế nào?

Chiêu Thánh mỉm cười. Lần đầu tiên Thái Tông thấy nàng cười nụ cười quyến rũ như vậy. Thế rồi, nàng quàng tay qua cổ y, ôm chầm lấy người mà nàng cho là đã luôn quan tâm, bỏ hạc giấy vào tráp cơm bấy lâu ”

10. Chia ly

“Thái Tông đưa đứa bé lên tận mặt, áp má vào vầng trán nhỏ, tự dưng lại cười nói:

- Phải rồi, người ta vẫn nói đời cha ăn mặn, thì đời con khát nước. Nhưng mà Chiêu Thánh đâu có làm gì sai chứ.
Nói đến đây, y sực tỉnh ra. Một tay y vẫn bế đứa bé trên tay, hai chân guồng sức chạy thật nhanh, băng qua sân lạnh, vào trong gian điện đối diện, nhưng bên trong âm u lạnh lẽo, không một bóng người.

Vừa đến nơi thì thấy có bóng người leo lên lưng ngựa. Trong màn đêm đen tối, không trăng không sao, chẳng nhìn rõ mặt mũi người này, nhưng Thái Tông biết ngay rằng chính là Chiêu Thánh đây rồi, y liền gọi lớn:

- Nàng định đi đâu?

Chiêu Thánh quay đầu lại, nhìn dáng hai cha con, trong lòng vừa yêu vừa hận. Nàng quát:

- Con người ngươi rốt cục chỉ tóm lại bằng một chữ (nhẫn). Khi bị nhát đao đâm vào tim mà vẫn trơ ra như không. Hẳn là vì trái tim ngươi làm bằng sắt đá.

Rồi nàng quay ngoắt, thúc ngựa phóng đi về phía Tây.”

11. “Xa giá ở đâu, triều đình ở đó”

“Sáng hôm ấy, ba người đang ở trong chính điện thiền định thì nghe om sòm ở cổng chùa. Lão thiền sư cùng Phù Vân ra xem thì không khỏi phát hoảng khi thấy người người tay xách nách mang, đủ thứ dụng cụ, nào búa nào cưa, nào kiềm nào kéo. Dẫn đầu là Quốc trượng Thủ Độ, tay phải cầm bản đồ, tay trái cầm thiết trượng, chỉ trỏ chỗ cắm nêu:

- Chỗ này là điện Thiên An, chỗ kia là các Đoan Minh…

Phù Vân thấy vậy thì phát hoảng, chạy nhanh đi tìm Cảnh. Khác với thái độ lạnh lùng, pha chút tự cao hàng ngày, hôm nay y khẩn thiết, quỳ phục xuống tâu:

- Bệ hạ nên gấp quay xa giá trở về, chớ để làm hại núi rừng của đệ tử.

Thế mới thấy tấm lòng thực của Phù Vân với chùa Vân Yên, với lão thiền sư Hiện Quang sâu sắc thế nào. Y cuống cuồng đến độ chẳng thấy Cảnh đã mang tay nải lên vai. Cảnh vui vẻ đỡ Phù Vân dậy rồi nói:

- Xin an tâm. Trẫm quay về kinh thành, nhưng sau khi bình ổn xong mọi sự, nhất định sẽ có lúc quay lại ghé thăm.”

12. Tái ngộ

“Ở bên kia, Thái Tông thực là ba lần bảy lượt thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Y hiểu ra rằng mình không thể lẩn tránh mãi. Giữa lúc ấy, từ phía sau, Chiêu Thánh hét lên:

- Ngươi còn không xuất kiếm thì nhất định phải chết.

Dứt lời, nàng đâm thẳng một đường kiếm tới. Nhưng khác hẳn nãy giờ, Thái Tông bất ngờ quay người lại, xoay thân kiếm, áp sát Chiêu Thánh.

Trong nháy mắt, lưỡi kiếm của Chiêu Thánh đã kề vào cổ Thái Tông, còn mũi kiếm của y cũng chỉ vào giữa cổ nàng.

Thái Tông chậm rãi nói:

- Cao Sơn và Lưu Thủy đúng lý ra là tri âm tri kỷ, không nên đánh lẫn nhau, mà phải bổ trợ cho nhau. Như vậy mới tạo được bản hòa tấu lay động lòng người của Bá Nha tiên sinh ngàn năm trước. Kiếm pháp Nguyệt Thư Ảnh cũng vậy, phải là song kiếm hợp bích, chẳng thế đối đầu nhau. Càng đối đầu càng không có kết quả.”

13. Cùng nhau chống giặc Mông

“Lúc bấy giờ, Chiêu Thánh ở trên lưng ngựa rút quân cùng với Thái Tông, bỗng thấy ráng lửa hắt từ phía sau lưng. Nàng xoay người lại thì không khỏi bàng hoàng trước cảnh hoàng thành Thăng Long muôn thuở rực rỡ, từ ngày nàng sinh ra đã là chốn phồn hoa đô thị nhất nước Việt, ấy vậy mà hôm nay phải nhìn cảnh chốn ấy dần biến mất trong biển lửa. Nàng thấy vậy mà không khỏi cắn răng cắn lợi, ứa nước mắt than:

“Cơ nghiệp của thủy tổ, thực đã mất trong tay ta rồi!”

Thái Tông cũng xót xa nhìn lại, đoạn an ủi Chiêu Thánh:

“Chúng ta nhất định sẽ tìm kế phản công, rồi khi lấy được hoàng thành sẽ cùng nhau dựng lại.”

Chiêu Thánh tuy không nói ra, nhưng trong lòng nàng hiểu rõ, hoàng thành sau khi dựng lại, sẽ là hoàng thành của nhà họ Trần chứ chẳng phải của Thái Tổ nàng nữa.

Sau khi lui quân cách thành Thăng Long được năm mươi dặm về phía Nam, Thái Tông cho lệnh hạ trại, hội binh với thủy quân từ các phủ Nghệ An, Quan Da lên. Các tướng lãnh lại bàn nhau cách công thành. Thủ Độ nói:

“Theo kế sách của Quốc Tuấn, ta đã đốt hết lương thực, quân Mông Cổ viễn chinh, giờ đến được kinh sư rồi mà lại chẳng có lương ăn, chẳng có gì để cướp bóc, hẳn là tinh thần rệu rã, nhưng vẫn chẳng thể xem nhẹ.”

Quốc Tuấn cũng nói:

“Quân Mông Cổ vừa không quen địa thế thành Thăng Long, lại thêm điểm phá thành thì có kinh nghiệm chứ giữ thành thì chưa có nhiều. Ta lợi dụng điểm này để tính kế phản công.”

Thái Tông nói:

“Nói về địa thế thành Thăng Long, người họ Trần ta vào kinh chỉ được 35 năm. Còn người họ Lý vừa là kẻ xây thành, vừa đã ở đó hơn 200 năm. Vậy thì… nàng giúp quan gia chứ?”

Vừa nói Thái Tông vừa đưa mắt nhìn Chiêu Thánh. Đám người còn lại cũng đưa mắt nhìn, trong lòng e ngại. Nhưng khác với tưởng tượng, Chiêu Thánh đột nhiên lại cười nói:

“Bệ hạ vẫn chẳng hề thay đổi. Càn vẫn là Càn, chỉ muốn dùng Khôn để xây dựng trời đất cho riêng mình.”

14. Lê Phụ Trần

“Ở phía cửa Tường Phù, Thái Tông nãy giờ ở trên lưng ngựa, hồi hộp dõi theo. Bỗng y thấy phu phụ họ Lê đang thong dong đi, lại đột nhiên phóng ngựa thì cũng quất roi đuổi theo.

Thái Tông đi ở đường trên, còn Lê Phụ Trần cùng Chiêu Thánh men theo đường dưới, không để ý thấy Thái Tông cũng phi ngựa theo ở phía sau lưng.

Thái Tông cứ phi mãi, phi mãi. Y cảm tưởng rằng mình có thể phi theo phu thê họ đến tận xứ Kinh Bắc, nhưng rồi chợt y nhìn thấy Chiêu Thánh quay đầu lại, mỉm cười với Lê Phụ Trần vốn còn đang bối rối bám theo. Chính lúc đó, y phải dừng lại. Y không nhớ mình đứng ở đó bao lâu, nhưng chắc chắn là rất lâu sau khi bóng Lê Phụ Trần cùng Chiêu Thánh đã khuất ở nơi chân trời. Có lẽ y sẽ đứng đó mãi, nếu Quốc thượng phụ Thủ Độ không xuất hiện”

Related Products